Thứ năm, 14 Tháng 5 2020 07:58 |
NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG – NHÂN DUYÊN CỦA CUỘC ĐỜI TÔI. Cuộc đời của mỗi người giống như một bộ phim mà chính bản thân họ là một nhân vật chính và người đạo diễn là cuộc sống. Tôi đã từng đọc được câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống” và cuộc đời của tôi, vẫn cảm thấy may mắn vì đã chọn đúng nghiệp của mình - đó là nghề điều dưỡng. Tôi đến với công việc này như một nhân duyên. Cũng như các bạn cùng trang lứa, học xong 12, bắt đầu vào đại học. Với tôi, điều dưỡng lúc đó là ngành học hoàn toàn xa lạ, chỉ được nghe qua loa là sau này làm ở bệnh viện, chủ yếu là tiêm thuốc, truyền dịch….Tôi được anh trai hướng nghiệp như thế, vì khả năng sau này ra trường sẽ tìm được việc làm. Ừ thì, vì cuộc sống mưu sinh, chỉ cần nuôi sống bản thân là thấy mãn nguyện rồi. Và rồi nhân duyên của tôi bắt đầu, với nghề điều dưỡng, hầu hết thời gian đều quanh quẩn ở trường, bệnh viện. Ngày đi học, tối đi thực tập. Tôi được thầy cô dẫn đi các cở sở khám chữa bệnh lớn, làm quen với môi trường y tế. Cảm nhận chung là khá vất vả, mức độ làm việc cao, đứng và di chuyển liên tục. Thậm chí có những đêm trực thức trắng, một lần còn ngủ quên trên xe buýt, đến lúc tới bến mới cuống cuồng hỏi đường bắt xe quay lại. Nhưng càng học hỏi, càng tìm hiểu, tôi biết rằng nghề này không chỉ là tiêm thuốc, truyền dịch như người ta nói. Điều dưỡng thời gian làm việc trên bệnh viện nhiều hơn thời gian ở nhà, ngày ngày phải thay tả, vệ sinh, chăm sóc cho những người xa lạ không quen biết. Điều dưỡng ngày ngày đi làm luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ máu mủ, chất thải, nước tiều, đờm dãi, …đối mặt với các bệnh tật và rủi ro cao thay vì làm việc trong phòng ốc khang trang, máy lạnh và quần áo đẹp. Có ngày nhận được những câu nói bực bội, những tiếng quát nạt, những đôi mắt không thiện cảm,..từ bệnh nhân, người nhà chỉ vì một sự không hài lòng nào đó. Nhưng, vẫn phải luôn cười, vui vẻ, niềm nở. Giành phần lớn thời gian chăm sóc, túc trực bên người bệnh, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chia sẻ nỗi đau và động viên họ cố gắng vượt qua. Tôi kể những điều này, để thấy, điều dưỡng muốn gắn bó cần phải yêu nghề và có ý chí cao, phải yêu thương, xem họ đau đớn như mình đau đớn thì mới hy sinh, tận lực tận tâm cho công việc. Đã không ít lần, bản thân nghĩ đến chuyện từ bỏ, nhưng nhìn những anh chị đi trước, họ vẫn miệt mài cố gắng đêm thâu, vẫn học hỏi, trau dồi kiến thức, có những người tuổi nghề còn lớn hơn cả tuổi mình và nhìn những nụ cười rạng rỡ, những lời cảm ơn xúc động của bệnh nhân khi ra viện mà tôi có thêm tin yêu, động lực để bước tiếp. Ra trường, tôi chọn về tỉnh gần nhà, làm một bệnh viện tư nhân chứ không ở lại thành phố lớn như các bạn. Trở thành điều dưỡng nhi khoa, nơi mà trước đây chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm được. Lao đầu vào công việc, các mối quan hệ bạn bè càng thưa thớt, những buổi họp lớp xôm tụ, tôi vắng mặt ngày một nhiều hơn. Tôi được tạo điều kiện đi học các khóa học về nhi khoa để nâng cao tay nghề. Chăm sóc người lớn cần mạnh mẽ, kiên trì bao nhiêu thì làm điều dưỡng khoa nhi cần cố gắng hơn gấp nhiều lần hơn thế. Nhìn những thiên thần nhỏ, quấy khóc, đau đớn, không ăn uống được vì bệnh tật. Những ánh mắt lo âu sợ hãi không chỉ vì đau mà có khi chỉ vì nhìn thấy nhân viên y tế. Những ánh mắt ưu tư lo lắng từ bố mẹ, ông bà, .. Đôi khi chỉ vì thương con, họ sẵn sàng ném vào điều dưỡng bao bực bội và thậm chí chạm vào nhân cách. Người ta nói, nghề điều dưỡng là làm dâu trăm họ quả không sai. Có lẽ, không ai hiểu được cảm giác, con ở nhà sốt cao, nhưng mẹ chỉ biết hỏi han, động viên qua điện thoại, trong khi vẫn lặng lẽ những bước chân trong đêm trực, đi từng phòng bệnh, kẹp nhiệt, hạ sốt, chăm sóc cho bệnh nhân với bao nỗi buồn thương, lo lắng cho con. Sớm mai, nhìn những nụ cười, những ánh mắt trẻ thơ khỏe mạnh và vượt qua nguy hiểm, lại cảm thấy yêu nghề và động viên mình cố gắng hơn.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Nếu là con chim, chiếc lá, Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?” Vâng. Cho đi những yêu thương và nhận lại tình cảm chân thành từ người bệnh. Có một bệnh nhi nói rằng, lớn lên con muốn làm người chăm sóc như cô. Đó chính là những niềm vui, hạnh phúc, là động lực để bản thân thêm yêu và cố gắng với nghề điều dưỡng. Thấm thoát đã 9 năm, trải qua không ít những khó khăn, buồn vui, nhưng được góp thêm một phần nhỏ sức lực của mình vào công tác chăm sóc sức khỏe, đem đến niềm vui cho gia đình các con. Tôi càng cảm thấy tự hào với sự lựa chọn của mình, với mối nhân duyên làm mẹ hiền cho cuộc đời thêm ánh sáng. Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, xin được chúc cho những đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin yêu con người. Luôn là một ngọn đèn dầu (biểu tượng của ngành điều dưỡng), dù le lói nhưng không bao giờ tắt, luôn ấm áp, ngập tràn hy vọng của yêu thương. ĐIỀU DƯỠNG: HÀ THỊ THÚY KIỀU - KHOA NHI
|