Ung thư đại - trực tràng là một trong các bệnh lý thường gặp có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới năm 2019 tại Việt Nam (GLOBOCAN) thì ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ ba, vượt qua ung thư dạ dày và ung thư vú, chỉ đứng sau ung thư gan và phổi. Mặc dù trực tràng là phần ống tiêu hóa dài khoảng 15 cm nhưng ung thư trực tràng nhiều gấp 1,5 lần so với ung thư đại tràng và đứng hàng thứ năm với tỷ lệ tử vong 4.1%.
Vừa qua Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân B.V.C (sinh năm 1952) vào viện vì đau bụng vùng hạ vị. Bệnh khởi phát cách nhập viện 4-5 ngày với các triệu chứng đau bụng nhiều liên tục vùng hạ vị, sốt cao rét run, tiểu buốt gắt. Thăm khám ban đầu ghi nhận tổng trạng bệnh nhân suy kiệt, da niêm nhợt nhạt, có dấu hiệu nhiễm trùng như môi khô lưỡi bẩn, phản ứng thành bụng vùng hạ vị (+). Tiền sử của bệnh nhân ghi nhận: THA, ĐTĐ type II, u bóng vater đã phẫu thuật. Ngay lập tức bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan thận và chụp cắt lớp vi tính vùng bụng tiểu khung. Kết quả cho thấy chỉ số nhiễm trùng của bệnh nhân bạch cầu, CRP tăng cao, CT-Scan: U trực tràng xâm lấn thành sau bàng quang, xâm lấn niệu quản 2 bên, tổn thương gan thứ phát đa ổ, hơi đường mật trong gan và ngoài gan.
Sau khi chẩn đoán xác định bệnh nhân có tình trạng U trực tràng xâm lấn bàng quang / Tổn thương di căn gan / THA / ĐTĐ Type II, bệnh nhân được hội chẩn đưa ra phương án can thiệp phẫu thuật nội soi làm hậu môn nhân tạo+mở bàng quang ra da+phối hợp với hồi sức tích cực, kháng sinh mạnh phối hợp để giải quyết tình trạng nhiễm trùng. Nhận định đây là trường hợp bệnh nặng ung thư giai đoạn cuối đến muộn có biến chứng rò bàng quang - trực tràng và di căn gan trên, bệnh cảnh suy kiệt có nhiều bệnh lý nền kèm theo, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát xem xét một cách cẩn thận phù hợp nhất các phương án cần thiết nhằm kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Hình ảnh bệnh nhân sau mổ
Hiện nay ung thư trực tràng là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam và xu hướng gia tăng ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi. Việc điều trị hướng tới điều trị đa mô thức (phẫu trị, hóa trị, xạ trị, miễn dịch...) cá thể hóa trên từng bệnh nhân. Đặc biệt các biểu hiện lâm sàng giai đoạn sớm không đặc hiệu, vì vậy cần tầm soát ung thư đặc biệt trên những nhóm đối tượng có nguy cơ trung bình và cao, cụ thể: Nhóm nguy cơ trung bình: 1. Trên 45 tuổi không có triệu chứng 2. Thay đổi khói quen đi cầu 3. Chảy máu tiêu hóa dưới 4. Đau bụng không xác định 5. Thiếu máu thiếu sắt không xác định nguyên nhân Nhóm nguy cơ cao: 1. Tiền sử gia đình có ung thư đại trực tràng, bệnh đa polyp gia đình 2. Người có tiền căn viêm ruột.. 3. Người bệnh có nhiều hơn 1 yếu tố nguy cơ trung bình Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai đã triển khai nhiều phương pháp hiện đại tiên tiến tầm soát ung thư giai đoạn sớm như công nghệ gen nhằm phân tích ctDNA do khối u phóng thích vào máu giúp phát hiện sớm đồng thời 5 loại ung thư gan, phổi, vú, đại - trực tràng, dạ dày cùng các phương pháp sinh thiết, nội soi, chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra phẫu thuật nội soi thường quy để điều trị ung thư đại trực tràng đã được triển khai tại bệnh viện trong nhiều năm qua cũng đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
|